The partner in crime: Bạn đã tìm được "kẻ đồng phạm?"
Và điều này thì liên quan gì đến ngày 01/06?
Tháng vừa rồi mình có làm khóa học với sinh viên, và có phần mình nói về “Support System” một Hệ thống hỗ trợ sẽ gồm những nhân vật sau:
1. A mentor: Người tư vấn, hỗ trợ định hướng bạn về học tập/ công việc/ cuộc sống cá nhân
2. A partner: Người cộng sự, thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu, có thể nghiêm khắc với bạn khi cần
3. Supportive friends: Những người bạn luôn ủng hộ bạn, và bạn có thể tin tưởng dựa vào
4. A group of like-minded people: Nhóm cộng đồng chung chí hướng, cùng đam mê, mục tiêu
5. The partner in crime: “Kẻ đồng phạm”, bày trò, khiến bạn có thể bộc lộ đứa trẻ trong bạn (inner child), sẵn sàng cùng bạn làm chuyện điên rồ (mà không phạm pháp nhé!).
Ảnh: shondaland.com
Sau đó mình mời các em chọn ra người mình cần nhất tại thời điểm này, rồi ghép nhóm để chia sẻ. Khi mình ngồi với một em thì em chọn số 5 là ưu tiên nhất, mình hỏi sao thì em bảo là em cần “kẻ đồng phạm” vì nhiều lần em đưa ra ý tưởng có vẻ điên rồ thì rất hay bị phủ nhận và phản bác.
Em ấy nói với vẻ tiu nghỉu, nhìn rõ là tội.
Sau đó mình cũng chia sẻ với em về việc có thể tìm được những người này ở đâu, bằng việc nghĩ xem họ có đặc điểm gì, có thể xuất hiện ở những nơi nào?
Theo bạn thì họ có thể là ai và ở đâu?
Tìm được họ ở đâu?
Đây là câu trả lời của riêng mình nhé:
Đó là những người yêu sáng tạo, nghệ thuật, nên họ có thể lắng nghe và cởi mở với những ý tưởng khác thường.
Mình nhận ra điều này khi mình bắt đầu đi học từ viết sáng tạo, múa chuyển động, vẽ… sau khi được học những bước nền tảng, chúng mình luôn được khuyến khích là có thể làm theo cách của mình, biểu đạt theo cách riêng.
Ví dụ khi mình tham gia một workshop “Dance and words”, chỉ từ một từ khóa như “Rễ/ roots” bọn mình có thể thể hiện khác nhau bằng một chuyển động/ động tác, từ cụ thể đến trừu tượng. Có người nằm xuống tạo hình như rễ cây, có người khom lưng như ông bà, hay có người nhảy lên và lý giải được đó là “rễ” thì cũng hoàn toàn được chấp nhận.
Ảnh: Một buổi chơi chuyển động của bọn mình (mình là đứa mặc quần cầu vồng)
Trong ứng tác (improvisation) chúng mình còn có thực hành “Yes and” (Vâng và) khá kinh điển, là khác với “Yes but” (Vâng nhưng), bạn sẽ luôn nói “yes” để đón nhận ý tưởng của người khác để phát triển nó.
Ví dụ khi học storytelling, nếu câu mở đầu của mình vô tri kiểu “Sáng thức dậy tôi thấy cây mọc trên đầu mèo” thì người tiếp theo nhất định phải “đỡ bóng” và sáng tác tiếp, chứ không phản bác bằng “yes but” kiểu ủa logic gì vậy, sao có thể là thật, để không tiếp tục câu chuyện.
Điều này đã kích thích trí tưởng tượng và sức sáng tạo, để chúng mình vượt qua khỏi những phạm vi của nếp tư duy cũ, và phóng đến vùng đất mời gọi của sự phiêu lưu.
Thế đó, khi ở trong môi trường này, mỗi khi mình mở lời nói ra ý tưởng nào đó đều được đồng nghiệp ủng hộ bảo “Cứ làm đi”, chứ không bị đánh giá, phán xét nhiều. Điều đó không có nghĩa là bất chấp làm, mà là chúng mình luôn bắt đầu với sự tin tưởng lẫn nhau, rồi từ đó tìm mọi cách, mọi nguồn lực để tổ chức được chương trình.
Nhờ thế mà workshop múa/ chuyển động đầu tiên của mình đã ra đời, rồi “lớn lên” thành khóa múa mình co-host cùng bạn cộng sự.
Hay từ một session viết sáng tạo 45’ nho nhỏ đến mini camp viết 5 ngày 4 đêm ở Vườn Xả cũng thành hiện thực.
Một loạt chương trình khác nữa… mà nghĩ lại mình càng thấy biết ơn những người đồng hành đã cho mình được thỏa sức làm những ý tưởng mới mẻ.
Thực tế, mình đã không cảm nhận được sâu sắc điều này cho đến khi đi làm những tập huấn thông thường khác, và vấp phải những ý kiến phản đối, mình kể cảm giác hụt hẫng đó thì anh bạn của mình cũng bảo: “Do nature của môi trường sáng tạo là khích lệ những ý tưởng mới nên cậu mới thấy khác biệt lớn như vậy đó.”
Ảnh: Một buổi chơi Creative Play của bọn mình (vẫn là mình mặc quần cầu vồng)
Vì sao mình cần họ?
Kể chuyện mãi mà mình chưa nói lý do vì sao mình cần họ nhỉ, cũng như điều này có liên quan gì đến Tết thiếu nhi 01/06?
À vì “kẻ đồng phạm” giúp chúng ta bộc lộ đứa trẻ bên trong, đứa trẻ cần được chơi đùa, nghịch ngợm, có khi quậy phá, và luôn tò mò, háo hức với những cái mới. Đứa trẻ này ít được xuất hiện do thực tế, thế giới của người trưởng thành khiến chúng ta gánh trên vai bao vai trò, trách nhiệm, áp lực; đã dẫn đến việc thiếu không gian, thời gian để kết nối và chăm sóc đứa trẻ đó trong mỗi người.
Chúng ta cũng cần được thử sức, được chơi đùa với những thứ mới mẻ, đắm mình và vùng vẫy trong dòng chảy của sự sáng tạo. Như câu nói “Play is the opposite of survival mode” (Britchida) nhờ thế mà thoát khỏi trạng thái sinh tồn luôn thường trực (có cả thực hành gọi là Play Therapy mà).
Ảnh: Chương trình “Color me run” tại Việt Nam
Bên cạnh đó: “Theo một nghiên cứu gần đây, những người trẻ tham gia vào các hoạt động sáng tạo cho biết họ giảm bớt được cảm giác căng thẳng hoặc lo âu. Quỹ Adobe và National Alliance on Mental Illness (NAMI), nhận thấy hơn 60% thanh niên được khảo sát cho biết cảm giác tự tin được nâng cao thông qua hoạt động vẽ tranh, viết lách hoặc bất kỳ hình thức biểu đạt sáng tạo nào” (page Vườn Xả) => thế nên “partner in crime” mới được xếp vào Support System ở đầu bài.
Ảnh: westend61.de
Nhắn nhủ
Khi viết bài này mình nhớ lại những lần được chơi với “partner in crime” của mình đều để lại cho những mình những niềm vui sảng khoái (như lần dám thử skinny dipping lần đầu mà lại vào sáng sớm ở biển Hội An với chị bạn). Cảm giác được chơi đã đời và kích thích một chút đã cho mình rất nhiều năng lượng và sức sống lúc đó, khiến mình nhớ mãi đến tận bây giờ (chắc mình vốn là đứa hay chơi ngoan ít bày trò nữa “:>).
Thế nên, mình chia sẻ những thông tin này như một gợi ý nhỏ cho mùa hè này của bạn, thử tìm kiếm những “kẻ đồng phạm” để thấy những điều họ có thể mang lại cho trải nghiệm sống của bạn nhé!
Cuối cùng, cám ơn bạn đã đọc đến đây, và mình gửi tặng bạn bài hát rộn rã này nha:
Bài 4
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Yay improv chị ơi :D
Ui không ngờ người hỗ trợ mà lại nhiều vai như vậy. Em cũng quan tâm chỗ mua quần ạ hehe.